Cuộc sống của người dân huyện Thái Thụy
Những ngày này, người dân huyện Thái Thụy (Thái Bình) vô cùng ngạc nhiên về việc một người nông dân đã hoàn thiện một chiếc máy phát điện có một không hai trên thế giới khi nguyên liệu để tạo ra điện lại chính từ rác.
Đó chính là ông Bùi Xuân Kiên, một người nông dân chính hiệu với dáng người cao gầy, khắc khổ. Ông ho biết chiếc máy phát điện, chính xác hơn là lò đốt phát điện của ông đã được thai nghén từ nhiều năm nay và chính thức thành công cách đây vài tháng.
Chia sẻ về người nông dân này, trưởng thôn Bùi Khắc Huệ đã hãnh diện: "Ông Kiên là niềm tự hào của chúng tôi, chiếc lò đốt rác phát điện của ông ấy đã hoạt động hiệu quả và với một chiếc lò như vậy hoạt động hết công suất có thể đáp ứng được điện cho 20 gia đình."
Ông Bùi Xuân Kiên mới chỉ học hết cấp hai trường làng, cả đời lam lũ với công việc đồng áng, với đủ thứ nghề vất vả của xã hội, tuy nhiên, trong lòng ông vẫn ấp ủ một đam mê cháy bỏng với nghiên cứu, sáng chế.
Ông tâm sự, từ lâu đã ấp ủ kế hoạch tạo ra một chiếc máy làm ra điện, mà phải làm từ rác chứ không phải làm từ những nguyên liệu quý giá ngày càng cạn kiệt. Để thực hiện đam mê ấy, ông từ bỏ căn nhà khang trang trong làng, rời ra ở một căn nhà khoảng 20m2 ngoài chợ huyện.
Ông Bùi Xuân Kiên và chiếc lò phát điện của mình (Ảnh: sưu tầm)
Lý do để ông Kiên dọn ra gần chợ ở vì chỉ có chợ cũng là cái mỏ rác để ông có thể thoải mái kiếm được nguyên liệu để thử nghiệm. Ông tâm sự: "Tôi có 30 năm kinh nghiệm trong nghề nung, rèn. Đã từng tạo ra hàng nghìn cái lò nên tôi cũng ấp ủ từ những chiếc lò như vậy có thể làm ra được một năng lượng nào đó, và thế là tôi mày mò nghiên cứu chế tạo một dạng máy phát nhiệt điện."
Và tiếp đó, ông Kiên mất thêm 6 năm trời cùng với khoảng 100 triệu tập trung sáng chế... Cuối cùng "nhà máy điện" cũng thành hiện thực. Trong quá trình nghiên cứu, ông còn phải đi Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn để nghiên cứu cơ chế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện và mua sách về nhà tự học.
Ông Kiên quan tâm nhất đến những kiến thức về sự chuyển hóa nhiệt năng thành cơ năng, cơ năng thành điện năng. Và những kiến thức này ông có thể tìm được rất nhiều trong các cuốn giáo trình cho trình độ đại học.
Cho đến hiện tại, chiếc lò phát điện của ông Kiên đã có thể làm được 1kg rác sản xuất được 1,5kW điện, 1kg gỗ sẽ được 4-5kW điện. Chiếc máy này cho ra giá thành điện sẽ rẻ hơn 80% giá điện hiện hành. Để vận hình chiếc máy này cũng chỉ cần một vài người, hoặc thậm chí chỉ có mình ông Kiên.
"Công việc chính của người vận hành chỉ là phân loại rác, cho vào guồng, đảm bảo nhiệt độ lò luôn từ 1.600 độ C đến 2.000 độ C" - ông Kiên cho biết.
Cạnh tranh với điện lực Việt Nam
Ông Bùi Xuân Kiên khẳng định chiếc lò đốt của ông chính là giải pháp cho vấn đề nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt trong khi thế giới ngày càng ngập rác.
Lò đốt này được thiết kế gồm 2 cửa. Cửa trên là lò đốt chính, cửa dưới có tác dụng hỗ trợ. Khi đưa rác vào lò, nhiệt độ đốt rác bao giờ cũng phải được đảm bảo ở mức cao từ 1.600 - 2.000 độ C để duy trì nhiệt năng yêu cầu.
Toàn bộ rác thải sẽ được đốt sạch tới mức không còn tro than. Nhiệt độ này đảm bảo cho lượng hơi nước bay hơi nhanh trong nồi hơi, tạo nên áp lực làm quay tua-bin. Hơi nước đó được tuần hoàn và quay về bể ngưng.
Khói từ ống của nhà máy nhiệt điện Phả Lại xả ra làm nguy hại tới môi trường
Tại đây, nhiệt độ nước khoảng 90 độ C. Với lượng nước chờ bốc hơi này, ông Kiên thiết kế một máy bơm khiến nước quay trở lại nồi hơi. Nước sôi và bốc hơi ngay lập tức và đảmbảo nhiệt không hề suy giảm. Nguồn điện được sản sinh ra trong chuỗi tuần hoàn các thao tác vừa rồi và được đấu thẳng vào điện nguồn của hộ gia đình sử dụng.
Có người cho rằng đốt rác như thế ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm. Ông Kiên cũng đã tính đến điều này và có cách khắc phục đơn giản. Người nông dân này lý giải:
"Lượng khói ban đầu khi đốt rác sẽ được đưa khép kín trở lại để sấy các goòng nhiên liệu chuẩn bị đốt. Còn khi nhiên liệu rác đã cháy hết không còn cả tro than thì đương nhiên không còn tí khói nào xả ra không khí. Chỉ có hơi nước của nhiên liệu khi được sấy bay lên không trung."
Ông Bùi Xuân Kiên đã có một sáng kiến có thể được cho là cạnh tranh với ngành điện Việt Nam khi một "nhà máy điện" của ông đủ sức đáp ứng nhu cầu của 20 hộ dân, giá thành rẻ bằng 1/5.
Còn nguyên liệu, có lẽ các lãnh đạo thành phố đang đau đầu vì rác sẽ phải cám ơn người nông dân này nhiều nhiều nếu mô hình này được nhân rộng.
Theo Minh Tuệ
Đất Việt