Phan Thanh Nhiên, người hùng chinh phục đỉnh everest, cắm cờ của Việt Nam trên nóc nhà thế giới
Anh đã vượt qua chính mình, vượt qua nỗi khiếp đảm từ những khó khăn, thậm chí cái chết để khắc dấu chân mình, để giăng lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Everest - nóc nhà thế giới.
Cuối năm 2005, Phan Thanh Nhiên cùng đồng đội bước vào hành trình khổ luyện để chuẩn bị cho những tháng ngày đi tìm vinh quang bằng việc chinh phục Nóc nhà Đông Dương, đỉnh Fansipan với độ cao 3.143m.
Tiếp đó, các thành viên lại chinh phục Nóc nhà Đông Nam Á", ngọn núi Kinabalu có đỉnh Lows Peak cao 4.095m tại Malaysia, tiếp đến là ngọn núi cao thứ 2 thế giới (sau Everest) - ngọn Island Peak tại Nepan và cuối cùng là đỉnh Everest - Nóc nhà thế giới. Gặp chàng trai trẻ ngoài đời, như việc leo núi vừa mới diễn ra hôm qua, Nhiên hào hứng kể cho tôi nghe những tháng ngày không thể nào quên cách đây gần 6 năm.
Những người hùng trên Nóc nhà thế giới Everest
Cuộc thi của những người không sợ... chết
Đó là lời tâm sự chân thành của Phan Thanh Nhiên, một trong ba người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Anh đã vượt qua chính mình, vượt qua nỗi khiếp đảm từ những khó khăn, thậm chí cái chết để khắc dấu chân mình, để giăng lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh nóc nhà thế giới.
Trao đổi về những tháng ngày khủng khiếp mà đầy tự hào đó, anh cho biết: "Giờ nghĩ đến, mình vẫn còn sợ và không hiểu sao lúc đó mình lấy đâu ra nghị lực, lấy đâu ra sức mạnh và đi được như thế".
Nhiên tâm sự rằng, anh tham gia vào cuộc thi dành cho những người không sợ chết này một cách rất hồn nhiên. Anh ghi danh tham gia cuộc thi khi chưa hề biết đến ngọn núi Everest, cũng chưa biết cái nóc nhà thế giới thế nào. Anh tham gia chỉ vì thấy nội dung cuộc thi rơi vào thế mạnh của một sinh viên đang theo học trường Thể dục thể thao II, TP.HCM như mình.
Để có tên trong danh sách những người chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, các thí sinh cũng phải trải qua những hành trình thử thách vô cùng nghiêm ngặt. Cơ bản nhất, mỗi thí sinh phải chứng minh được mình có một thể lực dồi dào qua các bài thi thể lực.
Đầu tiên là phần hít đất, môn nhảy cao, gập bụng, đi cầu thăng bằng, sau đó là phần thi leo vách dựng đứng với dây thừng to bản và chạy 5 vòng đường pít trên sân Mỹ Đình.
Tiếp đến, các thí sinh sẽ trải qua cuộc kiểm tra tâm lý kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ cùng các chuyên gia. Trong đó, các thí sinh được trò chuyện và tiếp xúc với nhà leo núi Sherap Shepa, người đã từng 4 lần chinh phục thành công Everest. Sau những lần thử lửa đó, Phan Thanh Nhiên may mắn vượt qua hàng ngàn người để có mặt trong 12 thành viên được chọn.
Ngày 15/10/2005, Nhiên cùng đồng đội bước vào hành trình khổ luyện để chuẩn bị cho những tháng ngày đi tìm vinh quang bằng việc chinh phục Nóc nhà Đông Dương - đỉnh Fansipan với độ cao 3.143m. Đây là lần đầu, một anh chàng sinh viên như Nhiên được tiếp xúc với địa hình hiểm trở, những vách núi như chỉ chờ để ném người ta xuống vực trong cái lạnh thấu xương.
Tiếp đó, các thành viên lại chinh phục “Nóc nhà Đông Nam Á", ngọn núi Kinabalu có đỉnh Lows Peak cao 4.095m tại Malaysia. Đến 26/11/2005, cả nhóm khi ấy chỉ còn 6 người đã chinh phục được đỉnh Kilimanajaro.
Kể về chặng đường gian khổ và đầy may rủi này, Nhiên nói: "Chặng đó thực sự là chướng ngại mang tính quyết định với tôi. Những chặng trước đó cùng với thực phẩm không hợp khẩu vị đã vắt kiệt sức của tôi và nhiều đồng đội. Rất nhiều người đã bị tiêu chảy và phải dừng bước.
Đêm trước ngày chinh phục đỉnh, tôi cũng bị ảnh hưởng về độ cao. Nhiều người và chính tôi đã nghĩ mình sẽ phải bỏ cuộc. Nhưng rất may, cơ thể tôi kịp hồi phục và tiếp tục cho tới ngày tiến đến ngọn núi cao thứ 2 thế giới (sau Everest) ngọn Island Peak tại Nepan".
Có thể nói đây là chặng đường khó khăn và nguy hiểm nhất trong hành trình tiếp cận Everest. Ở chặng này, thành viên trong đoàn bị thương, bệnh tật rất nhiều. "Đến đây, mọi người đều rệu rã, chỉ còn biết nói với nhau mong điều lành và cố gắng động viên nhau khi phải treo mình trên các vách đá dựng đứng cheo leo, phải vùi mình trong băng tuyết lạnh đến hoại tử...", Nhiên tâm sự.
Tự ký giấy bỏ... xác
Trong lần tiếp cận Everest, Nhiên đã chứng kiến những mất mát không thể lường trước. Một số trong nhóm bị hoại tử do nhiễm lạnh và phải tháo khớp. Nhiều người bị hết oxy và phải bỏ cuộc khi đã trải qua biết bao nhiêu hiểm nguy. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực phi thường, họ vẫn tiếp tục.
Cuối cùng hành trình được các nhà leo núi gọi vui là Hành trình vào cõi chết (đã có rất nhiều người bỏ mạng tại đây) cũng đã gần như hoàn thành: Everest hiện ra trước mắt. Kể lại giây phút ấy, Phan Thanh Nhiên hào hứng: "Tôi vô cùng ngỡ ngàng và bất ngờ. Từ xa, tôi chỉ nhìn thấy ngọn núi có một màu đen xám xịt, nhưng khi đến gần, tôi mới biết trước mắt là một thung lũng băng trắng phau bao la, lạnh ngắt.
Xa xa, phía chân núi là những chiếc lều của các đoàn nước bạn đã được chuẩn bị trước đó. Vừa đến được lều của đoàn mình, tôi và các thành viên kinh hoàng trước những tiếng động và rung lắc dữ dội do những trận tuyết lở từ trên đỉnh. Đêm, chúng tôi lại nghe những tiếng băng nứt răng rắc, sợ đến thót tim".
Phan Thanh Nhiên rực rỡ màu áo đỏ và giây phút thảnh thơi hiếm có
Khi đã được lên dây cót tinh thần, sức khỏe, Nhiên cùng các thành viên khác bước những bước chân đầu tiên vào "cõi chết". Nhiên kể, hành trình từ chân núi lên đến đỉnh Everest có 4 chặng. Chặng đầu tiên được đánh giá là nguy hiểm nhất khi anh và đồng đội phải vượt qua 55 cái thang bắc qua 55 vết nứt của các tảng băng trông từ xa như những cục bông gòn khổng lồ gối lên nhau, nhưng khi đến gần cục bông gòn đó có khi cao hơn cả tòa nhà chục tầng.
Cứ thế, các thành viên sẽ lần lượt đi qua những cái thang hẹp chỉ có thể đặt vừa một chân, dài đến 19m. Nếu chỉ một giây mất tập trung, sẽ rơi khỏi thang và sẽ không bao giờ có thể nhặt được xác.
Để cơ thể dần thích nghi với sự thay đổi một cách đột ngột và vô cùng khắc nghiệt, các thành viên phải leo lên leo xuống mỗi chặng như vậy nhiều lần. Nhiên đã thấy ngay ở chặng đầu ấy, có người không kịp thích nghi với sự khắc nghiệt của nơi hầu như mọi sinh vật không thể tồn tại này mang lại. Có người bị lỏng não, não chảy cả ra lỗ mũi, có người mắc phải chứng ho kéo dài đến nứt gãy xương sườn, đâm vào phổi vào tim đặc biệt là hoại tử.
Ngày nào Nhiên cũng thấy có người bị khiêng xuống. Tại đây, ranh giới giữa cái chết và sự sống như sợi chỉ mỏng. Do vậy, khi tham gia chinh phục các chặng cuối của Everest, mọi người đều phải ký giấy bỏ... xác.
Nhiên kể: "Ở những chặng cuối này, cả đoàn phải đối mặt với mọi loại địa hình. Lúc thì phải bấu, víu vào vách mà đi, có khi lại phải đu dây để leo, lúc lại treo mình trên vách núi như con nhện vừa rơi ra khỏi cái mạng của mình lủng lẳng trong không trung trắng xóa lạnh ngắt. Đôi khi phải dùng móc sắt dưới đế giày để biết mình vẫn còn bám vào vách núi.
Mỗi chặng như vậy, tôi và đồng đội phải leo, phải lết, phải bò, phải chui, trung bình khoảng 10 tiếng trong môi trường thiếu nước, thiếu lương thực (nước và lương thực hầu như bị đóng băng, đặc biệt nỗi lo hết oxi luôn thường trực. Đêm đến hoặc khi có gió, có bão tuyết, chúng tôi phải dùng búa đục vào vách băng dựng đứng làm tổ giữa không trung bao la rợn ngợp đến nỗi không thể đi vệ sinh một cách bình thường...".
Cờ đỏ sao vàng trên Nóc nhà thế giới
Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm dừng của gian nan và nguy hiểm. Theo Nhiên, hành trình từ chặng thứ 3 lên tới đỉnh mới thực sự là những tháng ngày may rủi. Cả đoàn đã bỏ ra hơn 3 ngày không ăn, không uống để chinh phục.
Nhiên khẳng định: "Thực sự mà nói, để chinh phục Everest thì hầu như chỉ dùng ý chí. Cơ thể mình lúc đó không còn kiểm soát được. Lúc ấy, cơ thể như một cái máy tính đã được lập trình sẵn. Cứ thế mình bước đi, đi theo những gì đã được lập trình. Chỉ cần dừng lại không đúng lúc thì cầm chắc cái chết.
Bởi vì mệt, vì đói con người ta dễ rơi vào trạng thái ngủ. Ngủ trên Everest là đồng nghĩa với cái chết. Máu từ các mao mạch trên mặt, trên cổ bị vỡ do lạnh sẽ trào ra bịt kín mũi và họng. Nếu không có người dùng nước nóng chế vào cho máu lỏng để có thể khạc ra thì sẽ không thể nào sống sót".
Cuối cùng sau những tháng ngày vật lộn cùng sự sống và cái chết, Phan Thanh Nhiên và đồng đội cũng đặt được chân lên Nóc nhà thế giới. Trong sự hân hoan tự hào và hạnh phúc vỡ òa, Nhiên đã khóc, khóc sảng khoái như một đứa bé khi anh cùng đồng đội lấy lá cờ Tổ quốc đã xếp gọn trong ngực áo bấy lâu ra tung trong gió tuyết.
Trả lời tôi về cảm xúc và cảm nghĩ sau khi chiến thắng được bản thân, Nhiên chia sẻ: "Con người có thể làm bất cứ việc gì nếu có niềm tin, nghị lực và ý chí. Quan trọng hơn trong chuyến đi, tôi đã thấy được tình yêu giữa con người với con người là điều đáng quý và thiêng liêng nhất.
Bản thân tôi trong những hoàn cảnh cận kề cái chết đã được đồng đội, được các bạn không cùng ngôn ngữ, màu da cứu giúp. Tôi nhận thấy dù trong đất chết, tình yêu thương luôn hiện hữu để con người hy sinh cho nhau tất cả, thậm chí mạng sống của mình".
Nguồn: Báo Dân Trí